SGTT.VN - Ngày 8.3.2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định 379 để điều chỉnh tăng hầu hết các mức lãi suất trên thị trường lên mức 12%/năm trừ mức lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên 9%/năm.
Lãi suất tái chiết khấu có mức tăng mạnh nhất, từ 7% lên 12%. Động thái thắt chặt tiền tệ này của NHNN đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới lãi suất và tỷ giá trên thị trường.
Ngân hàng lớn hết nguồn vốn rẻ
Theo luật NHNN sửa đổi năm 2003, lãi suất tái cấp vốn là lãi suất NHNN áp dụng khi thực hiện tái cấp vốn bằng việc cho vay lại theo bộ hồ sơ tín dụng.
Còn lãi suất tái chiết khấu là lãi suất được áp dụng khi NHNN tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá.
Với thực tế hiện nay, lãi suất tái cấp vốn chủ yếu được áp dụng đối với các hồ sơ tín dụng cho vay nông nghiệp phát triển nông thôn. Còn lãi suất tái chiết khấu được thực hiện với các giấy tờ có giá, chủ yếu là trái phiếu chính phủ.
Khi hai mức lãi suất này thấp hơn tương đối so với lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh là những ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất vì họ là những ngân hàng nắm giữ các giấy tờ đó nhiều nhất.
Chỉ cần vay của NHNN với mức lãi suất thấp và cho các NHTM khác vay với lãi suất cao hơn, các NHTM quốc doanh đã thu được các khoản lợi nhuận kếch xù.
Ngân hàng nhỏ bị ép
Nhưng khi các mức lãi suất trên tăng lên, đặc biệt là lãi suất tái chiết khấu, nguồn vốn giá rẻ của khối NHTM quốc doanh giảm. Để vẫn có lợi nhuận, dù ở mức thấp hơn, các NHTM quốc doanh buộc phải đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) lên cao hơn.
Trong tuần qua, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng tới 19% so với mức 14% ở tuần trước nữa. Khi lãi suất thị trường 2 được duy trì mức cao như vậy thì việc duy trì đồng thuận lãi suất huy động dân cư và các tổ chức kinh tế (thị trường 1) ở mức 14% sẽ vô cùng khó khăn.
Đây là điều đã từng xảy ra trong những thời điểm mà thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng căng thẳng vào cuối năm và trước tết âm lịch.
Tăng cung USD
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên khiến nhu cầu nắm giữ trạng thái ngoại tệ dương của các ngân hàng giảm. Lãi suất tiền đồng tăng cũng khiến cho những khách hàng có ngoại tệ và có nhu cầu sử dụng tiền đồng phải bán ngoại tệ ra thay vì đi vay tiền đồng.
Vì vậy, nguồn cung ngoại tệ trong tuần qua đã tăng lên khiến cho tỷ giá USD/VND mà các NHTM giao dịch với các khách hàng có xu hướng giảm mạnh từ mức 21.100 xuống mức 20.900, và hiện chỉ còn cao hơn mức trần của NHNN từ 20 – 30 điểm.
Như vậy, với tình hình lãi suất tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay thì khả năng tỷ giá USD/VND sẽ sớm giảm về trong biên độ tỷ giá của NHNN.
Trong khi đó, với việc thị trường tự do bị đóng băng như hiện nay, nhu cầu mua ngoại tệ cho các mục đích chính đáng của người dân bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các NHTM hầu như vẫn chưa bán ngoại tệ cho người dân.
Nếu như NHNN không sớm ra quy định về việc cho phép người dân mua ngoại tệ từ các NHTM thì trong thời gian tới, các hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen sẽ xuất hiện trở lại với các hình thức kín đáo hơn.
Giá vàng đã bị ảnh hưởng mạnh khi thị trường tự do đóng băng. Giá vàng SJC đã trải qua tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm 2011, từ mức 37,7 triệu đồng/lượng cuối tuần trước xuống mức 36,8 triệu/lượng vào cuối tuần.
Với mức sụt giảm như vậy thì có thể tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do trong tuần qua đã giảm mạnh xuống chỉ còn mức 21.200 – 21.400 so với mức 21.700 cuối tuần trước.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng sẽ có thể giảm về mức nằm trong biên độ của NHNN, đặc biệt nếu tin tức về việc thực hiện kết hối các tập đoàn và tổng công ty được đưa ra.
Nếu điều này xảy ra, nếu NHNN sử dụng một cách linh hoạt hơn nữa mức tỷ giá mua vào và tham gia mua bán trên thị trường ngoại hối như một nhà tạo lập thị trường thì không những tỷ giá sẽ ổn định được trong biên độ mà NHNN còn có thể tăng được dự trữ ngoại hối lên.
Nguyên Minh Cường